Khác với tưởng tượng, mở cửa đón tôi là một người đàn ông đứng tuổi, nhỏ thó, với cặp kính dày cộp trên khuôn mặt hiền từ.

Chẳng ai có thể ngờ rằng, người đàn ông này, hơn bốn chục năm qua, gắn bó cả cuộc đời làm khoa học của mình với nguồn tài nguyên dược liệu của đất nước...

Nghề đến như là duyên phận

Ký ức về chặng đường đưa PGS.TS. Nguyễn Tập (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên Dược liệu - Viện Dược liệu - Bộ Y tế) tới thiên đường tài nguyên dược liệu vẫn như in trong ông.

Ông kể, ngày bé vất vả lắm. Nhà thuần nông, lại là con cả trong gia đình 7 anh chị em ở xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, nên ngay từ nhỏ, cậu bé Tập đã ý thức được phải giúp bố mẹ việc nhà, chăm em. Chỉ có tối đến mới tranh thủ học bài. Vào cấp III, Tập làm những việc lớn hơn. Tập tham gia gánh phân, làm cỏ, gặt lúa, đập lúa... để có thêm công điểm ở hợp tác xã. Cho đến khi tốt nghiệp cấp III, Tập vẫn ao ước là sau này đi bán sách! Nghề vừa nhàn, có tiền, lại được đọc các truyện hay nhất mà không phải mất tiền. Nhưng, cái mong ước trẻ con ấy cũng chỉ nhen nhóm lên rồi vụt tắt. Năm 1967, Tập được tuyển vào học ở Khoa Sinh học - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐH KHTN-ĐH Quốc gia Hà Nội).

PGS. Nguyễn Tập trao đổi với bà mế người Mường về một cây thuốc dân tộc.

PGS. Nguyễn Tập trao đổi với bà mế người Mường về một cây thuốc dân tộc.

Thế rồi, như một thứ men say tình yêu, ông mê ngành sinh vật học từ bao giờ chẳng biết nữa. Cả 4 năm học ở trường, ông liên tục đạt danh hiệu sinh viên tiên tiến, luận văn chuyên ngành Thực vật học cũng đạt điểm tối đa. Với thành tích học tập tốt, nên sau khi tốt nghiệp ông được nhà trường giữ lại làm cán bộ ở khoa. Nhưng chàng sinh viên nhà quê khi ấy lại không biết rằng cả Nông trường Ba Vì (nơi đã làm luận văn tốt nghiệp) và Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đều đã chọn Tập về làm việc.

Đến tháng 12/1971, khi vẫn ở quê chờ thông báo của nhà trường, Tập lại nhận được giấy gọi xuống trường khám để tuyển nghĩa vụ quân sự. Sau hai vòng khám sức khỏe, Tập không đủ tiêu chuẩn về cân nặng để tham gia binh chủng nào đó nên bị trượt. Trong không khí sục sôi lúc ấy, vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nên việc thanh niên lên đường tham gia chiến đấu là lẽ thường tình. Các bạn thì được đi, mình ở lại, Tập buồn lắm. Ông trở lại trường và được về Phòng Điều tra Dược liệu (nay là Khoa Tài nguyên Dược liệu) - Viện Dược liệu - Bộ Y tế để làm việc.

Và tại đây, chân trời tri thức về dược liệu đã mê hoặc ông cho đến tận bây giờ.

Người đầu tiên làm luận án phó tiến sĩ về Bảo tồn cây thuốc

“Thời gian đầu tiên, mình còn lớ ngớ lắm...”, PGS.TS. Nguyễn Tập nhớ lại. Khi mới làm tại Viện Dược liệu, dù miền Bắc khi đó vẫn đang chìm trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhưng ông vẫn tham gia nhiều đợt đi điều tra, tìm kiếm cây thuốc ở những địa bàn hết sức ác liệt tại các tỉnh khu 4 cũ, ở Nghĩa Lộ, Bắc Giang, Quảng Ninh và các tỉnh miền núi xa xôi khác. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông đã trở thành lực lượng chủ lực, lăn lộn với công tác điều tra dược liệu ở các tỉnh thành phố phía Nam cho đến khi hoàn thành. Cứ như thế, hết đợt này đến đợt khác, hết địa phương này đến địa phương khác, ông đã có điều kiện phát hiện, thu thập được nhiều tư liệu về tiềm năng cũng như về hiện trạng nguồn tài nguyên cây thuốc, trên phạm vi toàn quốc Việt Nam.

Theo kết quả điều tra thu thập của Khoa Tài nguyên Dược liệu - Viện Dược liệu, từ năm 1961 đến nay đã xác định được ở Việt Nam tới trên 5.000 loài cây thuốc khác nhau (bao gồm cả nấm). Trong số đó, ông cùng đồng nghiệp các thế hệ đã phát hiện, bổ sung được nhiều loài mới đối với Việt Nam và cả thế giới. Cũng qua các đợt điều tra, ông và các đồng nghiệp đã kịp thời giới thiệu cho các địa phương tổ chức khai thác thu mua được hàng chục ngàn tấn gồm các dược liệu các loại khác nhau, phục vụ cho nhu cầu làm thuốc trong nước và xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cao.

Nghiên cứu cây thuốc, hiểu về tiềm năng nguồn tài nguyên này ở nước ta, nhưng ông rất băn khoăn là làm sao có thể khai thác chúng một cách bền vững. Vì thế, ngay từ năm 1978, ông cùng với đồng nghiệp, đã đưa ra được một khuyến cáo đáng lưu ý trong cuốn Hướng dẫn khoanh vùng bảo vệ tái sinh và khai thác dược liệu, do Nhà xuất bản Y học ấn hành. Năm 1983, khi tham gia Chương trình ATLAS Quốc gia, Nguyễn Tập bắt đầu quan tâm đến hiện trạng các loài cây thuốc đang bị suy giảm và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trăn trở với công tác bảo tồn cây thuốc đã thôi thúc ông đi sâu nghiên cứu, thu thập dẫn liệu, để đến đầu năm 1997, ông đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ Nghiên cứu bảo tồn những loài cây thuốc quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng ở Việt Nam. Đây là luận án phó tiến sĩ về “Bảo tồn đa dạng sinh học và Bảo tồn cây thuốc” đầu tiên ở Việt Nam, được giới chuyên môn đánh giá cao.

Không dừng lại ở đó, chuyên đề về lý thuyết bảo tồn cây thuốc trong bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam của ông đã trở thành nội dung giảng dạy, hướng dẫn luận án cho nghiên cứu sinh, luận văn cho học viên cao học và sinh viên ở một số viện và trường đại học trong nước. Từ năm 1996 đến nay, ông là người duy nhất ở Việt Nam đã xây dựng và theo định kỳ công bố (4 lần) về Danh lục đỏ Cây thuốc Việt Nam, phục vụ cho công tác bảo tồn. Vấn đề bảo tồn cây thuốc ở Việt Nam được ông viết thành sách, được Dự án Lâm sản ngoài gỗ, thông qua Tổ chức IUCN cung cấp kinh phí và xuất bản. Ông cũng có cơ hội được tham gia báo cáo về lĩnh vực bảo tồn cây thuốc tại nhiều hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

“Nghiên cứu cây thuốc là lẽ sống của tôi”

Đến thăm Khoa Tài nguyên Dược liệu của Viện Dược liệu, tôi thực sự bị choáng ngợp trước bảo tàng dược liệu nơi đây. Hiện nay Phòng trưng bày tài nguyên dược liệu của Viện Dược liệu có tới 35.000 tiêu bản cây thuốc. Để có được số lượng cây “khủng” này, “phải kể đến công lao hàng chục năm tìm kiếm, sưu tập, lưu trữ của rất nhiều thế hệ cán bộ của khoa như PGS.TS. Nguyễn Tập”, TS. Phạm Thanh Huyền (Trưởng khoa Tài nguyên Dược liệu, Viện Dược liệu) chia sẻ.

Mỗi một mẫu vật như thế, chúng đều có một thân phận khác nhau, một hồ sơ lý lịch mẫu khác nhau. Dưới mỗi mẫu vật đều có các dòng chú thích rõ ràng về tên gọi, tên khoa học, công dụng, nơi lấy mẫu, ngày lấy mẫu và tên người lấy mẫu. Để có được vài dòng chú thích như vậy, không đơn giản đâu nhé! Một cây nhưng có thể có hàng chục, hàng trăm tiêu bản, mỗi tiêu bản lại ở một nơi. Những tiểu bản lấy ở các địa điểm khác nhau lại khác nhau hoàn toàn”, PGS.TS. Nguyễn Tập cười, nói: “Tất cả anh em của Phòng Điều tra dược liệu (nay là Phòng Tài nguyên Dược liệu) thu thập trong các đợt điều tra nghiên cứu ở khắp các địa phương trên phạm vi toàn quốc. Sau khi hoàn tất các khâu “làm tiêu bản”, xác định, đối chiếu tên khoa học, nhập cơ sở dữ liệu xong xuôi mới đưa vào kho lưu trữ tiêu bản và mẫu dược liệu”.

Ông phát hiện một cây thuốc thuộc họ Mã tiền (đợt điều tra ở Hòa Bình, 3/2011).

Ông phát hiện một cây thuốc thuộc họ Mã tiền (đợt điều tra ở Hòa Bình, 3/2011).

Theo TS. Phạm Thanh Huyền, số tiêu bản, mẫu dược liệu (từ thực vật, động vật và cả về khoáng vật) ở Viện Dược liệu là bảo tàng về cây thuốc và dược liệu lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, ở đây đang lưu trữ tiêu bản cây thuốc của hầu hết các huyện, tỉnh và thành phố ở nước ta. Không những thế, ở bảo tàng này còn có gần như đầy đủ tiêu bản của những cây thuốc quý hiếm, thậm chí còn là “cực kỳ hiếm gặp” tại Việt Nam. Nhiều tiêu bản trong số này, TS. Phạm Thanh Huyền cho biết, tận tay PGS.TS. Nguyễn Tập đã thu thập từ những vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh và sau đó còn xác định tên khoa học như: Hoàng liên Bắc (Coptis chinensis) ở núi Ông Páo, xã Thái An, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang; Hoàng liên chân gà (Coptis quinquesecta) ở đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, trên dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, hay Hoàng liên gai lá mốc (Berberis kawakamii) lấy được ở một khe núi gần đỉnh Phanxipăng...

PGS.TS. Nguyễn Tập không thể quên được lần đi tìm cây Hoàng liên gai. Phải mất hơn 10 năm để tìm cho đúng đủ tên cho loài cây này. Vào năm 1992-2000 khi điều tra và thu thập cây thuốc Hoàng liên gai ở Lào Cai, PGS.TS. Nguyễn Tập và đồng nghiệp đã phát hiện ra sự khác nhau so với tên khoa học trước đó đã công bố của loại cây này. “Năm 2000, tôi quyết leo Phanxipăng 1 lần nữa. Lần này tôi chọn leo theo đường qua đỉnh đèo Phanxipăng. Đến đoạn giữa Phanxipăng đi Hà Giang, bất ngờ tôi gặp cây Hoàng liên gai có lá bạc mặt dưới và tôi lấy mẫu này mang về phòng làm mẫu. Đến năm 2006-2007, chúng tôi mới được công bố đủ 3 tiêu bản của Hoàng liên ba gai”.

Hơn 40 năm tận tâm với “nghề” nghiên cứu cây thuốc, PGS.TS. Nguyễn Tập đã đón nhận nhiều phần thưởng danh giá: Đồng tác giả 3 Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN: Nghiên cứu cây thanh hao hoa vàng làm thuốc chống sốt rét (2003), Atlas Quốc gia (2004) và Thực vật chí - Động vật chí Việt Nam và Sách đỏ Việt Nam (2012); Đồng tác giả Giải thưởng Vàng sách hay Bộ sách Cây thuốc và Động vật làm thuốc (2005); Đồng tác giả Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông của Bộ Y tế về bộ sách Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở Việt Nam - 3 tập (2014). Ngoài ra, ông còn là tác giả, đồng tác giả của 30 đầu sách và rất nhiều tạp chí trong và ngoài nước. Trong đó có 2 cuốn Danh lục Cây thuốc Việt Nam và Cây thuốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, mới được xuất bản năm 2016.

Cho đến bây giờ, khi đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục tham gia tư vấn cho các tổ chức NGO (Traffic, Heletas, VietNature, BiGVietnam, GreenViệt...) và một số địa phương về bảo tồn và khai thác bền vững cây thuốc Việt Nam. Khi bài báo này lên khuôn, có lẽ người đàn ông gần tuổi thất thập, nhỏ thó ấy vẫn đeo đuổi cái đam mê được leo núi, tìm đến những điểm cao nhất, xa nhất của Tổ quốc để tìm cho ra tiêu bản khác của một loài thuốc quý!